Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả chạm ngưỡng 2 tỷ USD

Ngày đăng: 5/8/2023

Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam ĐẶNG PHÚC NGUYÊN dự báo xuất khẩu rau quả sẽ duy trì đà tăng trưởng khả quan trong quý II, giúp ngành chạm ngưỡng 2 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất

Doanh nghiệp và nông dân đều phấn khởi!"

- Xuất khẩu rau quả trong quý I diễn biến như thế nào thưa ông?

- Trong khi những ngành khác sụt giảm thì xuất khẩu rau quả lại tăng trưởng khả quan, ước đạt 900 - 950 triệu USD trong ba tháng đầu năm và tăng 7 - 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng ấn tượng, khoảng 23%. Nguyên nhân chính là do Trung Quốc đã chấm dứt chính sách "zero Covid-19", do đó toàn bộ cửa khẩu đường bộ, đường biển đều tiếp nhận mặt hàng rau quả của ta. Đồng thời nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Âm lịch tăng cao nên 2 tháng đầu năm tăng trưởng mạnh. Việt Nam cũng đã ký kết nhiều nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch nhiều loại nông sản, trái cây sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc… đều ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ. Nhìn chung trong quý I, doanh nghiệp và nông dân trồng rau quả đều rất phấn khởi.

Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam ông Đặng Phúc Nguyên

- Xin ông cho biết những mặt hàng điểm sáng của ngành?

- Thanh long, sầu riêng, mít và chuối là những cái tên nổi bật. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu thanh long tăng nhiều nhất. Sầu riêng so với cùng kỳ năm ngoái tăng 300%, gấp 3 lần. Giá sầu riêng tăng từ 70.000 - 80.000 đồng/kg lên 150.000 - 200.000 đồng/kg nên doanh nghiệp cũng tập trung đẩy mạnh vào thị trường Trung Quốc.  

Sầu riêng hiện là mặt hàng xuất khẩu lớn nhưng khó nhất là mã vùng trồng còn ít so với sản lượng, quy mô trồng. Đến nay mới có 246 mã số vùng trồng và 97 mã số cư sở đóng gói được Hải quan Trung Quốc cấp phép. Trong khi đó Thái Lan có tới 20.000 mã số vùng trồng và 2.000 mã số cơ sở đóng gói được cấp phép. Bên cạnh đó, chất lượng trái sầu riêng cũng là điều đáng lưu tâm. Loại quả này không dễ trồng, lại chịu nhiều ảnh hưởng bởi thời tiết, thổ nhưỡng… nếu chăm sóc không khéo sẽ không đạt đủ số lượng để xuất khẩu. Đây cũng là vấn đề cần lưu ý trong những quý tiếp theo.  

Xuất khẩu rau quả sẽ cán đích 4 tỷ USD

- Theo ông, diễn biến tích cực trong quý I có được duy trì trong quý tiếp theo không?

- Trong ba tháng tiếp theo, dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ tăng 10% hoặc cao hơn. Như vậy, nửa đầu năm ngành có thể chạm ngưỡng 2 tỷ USD.

Thị trường Trung Quốc vẫn có nhu cầu cao nhất do nước này đang trong mùa lạnh, các diện tích cây ăn trái cho sản lượng thấp, không đủ cung ứng nội địa. Hơn nữa, chúng ta sẽ cố gắng có thêm nhiều mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được nước này cấp phép để tăng xuất khẩu.

Các thị trường như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do lạm phát dẫn đến sức mua yếu hơn.

-  Như ông dự đoán, ngành rau quả sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm nay?

- Nhìn lại cả quá trình phát triển, ngành rau quả chưa bao giờ đạt được con số 4 tỷ USD, bởi nhiều yếu tố khách quan cũng như chủ quan. Tuy nhiên, năm 2023 với nhiều mặt hàng rau quả mới xuất hiện như sầu riêng, chuối, chắc chắn sẽ giúp ngành rau quả tới gần hơn con số 4 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc ít nhất đạt 2,5 tỷ USD, chiếm 62,5%; các thị trường khác đạt 1,5 tỷ USD. Hiện tại, ngành chỉ lo lắng cho mặt hàng xoài vì giá đang giảm rất nhiều.

Để đạt được mục tiêu đề ra, chúng tôi mong muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch. Ví dụ trái  dừa hiện nay giá quá thấp, lợi nhuận thấp nên không có sự cạnh tranh. Chúng tôi hy vọng nước ta có thể đàm phán với Trung Quốc, Mỹ để xuất khẩu dừa bằng con đường chính ngạch.   

- Xin cảm ơn ông!

Người đăng: admin

Các baì viết liên quan

BÀI VIẾT CÙNG THỂ LOẠI

BÀI VIẾT CÙNG NGƯỜI ĐĂNG