Cơ hội xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang thị trường RCEP
Có tính tương đồng về văn hoá, vị trí địa lý gần, thuỷ sản Việt Nam là mục tiêu quan tâm của nhiều nhà nhập khẩu trong khối thị trường RCEP.
Phát biểu tại Phiên tư vấn xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực), diễn ra ngày 27/5, bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), cho hay: Với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, đơn giản các thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại, giảm thiểu các rào cản thương mại, RCEP sẽ mang lại lợi ích cho các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đặc biệt là ngành thủy sản khi xuất khẩu đến các đối tác thương mại hàng đầu của khu vực.
Trong khối RCEP, Trung Quốc là thị trường khổng lồ bởi quy mô dân số lớn, sức tiêu dùng cao. Ông Nông Đức Lai - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, cho biết: Sản lượng thuỷ sản nuôi trồng và đánh bắt trong nước của Trung Quốc hiện đạt 64 triệu tấn/năm nhưng nhu cầu tiêu dùng lên tới 67,3 triệu tấn/năm.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tư vấn cho doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường RCEP
Kim ngạch nhập khẩu thuỷ sản của Trung Quốc tăng mạnh, năm 2021 là 3,6 triệu tấn, giá trị 15 tỷ USD, tăng gấp đôi so với những năm 2015-2016. Sản phẩm được nhập khẩu nhiều là tôm, tôm hùm, cua, cá hồi…
Xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Trung Quốc 4 tháng đầu năm nay có sự khởi sắc đáng kể, đạt hơn 530 triệu USD, tăng 100% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm cá tra, cá basa, tôm đông lạnh. Với quy mô thị trường lớn, nhu cầu tiêu dùng đa dạng, Việt Nam có đường biên giới với Trung Quốc nên còn nhiều dư địa cũng như thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường tỷ dân này.
Malaysia dù không có quy mô thị trường lớn nhưng theo bà Trần Lê Dung - Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, đây là đất nước hồi giáo nên nhu cầu tiêu thụ hàng thuỷ sản là khá lớn. Hiện thuỷ sản Việt Nam đang chiếm 8,8% thị phần tại Malaysia sau Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan. Tính đến tháng 4/2022, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam sang Malaysia đã tăng 40,7% so với cùng kỳ - một con số rất ý nghĩa, cho thấy xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam tại Malaysia có triển vọng tăng trưởng rõ rệt.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cũng cho hay: RCEP tạo điều kiện cho Malaysia hội nhập sâu hơn vào nền thương mại, đầu tư tự do toàn cầu nhờ xoá bỏ 90% thuế quan giữa các nước thành viên. Do vậy, thông qua cửa ngõ Malaysia, thuỷ sản Việt Nam có thể tiếp cận nhiều thị trường khác.
Giá là điểm yếu cạnh tranh của thuỷ sản Việt Nam tại thị trường RCEP
Mặc dù vậy, tại phiên tư vấn, đại diện nhiều Thương vụ Việt Nam tại thị trường ngoài nước đều chỉ ra: Giá thành cao là điểm yếu của thuỷ sản Việt Nam. Cộng hưởng với đó là sản phẩm xuất khẩu dưới dạng thô khiến giá trị hàng hoá không cao, đặc biệt là thương hiệu thuỷ sản Việt Nam chưa được nhận diện tốt trên thị trường.
Do vậy, việc hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm là khuyến cáo được đưa ra cho doanh nghiệp thuỷ sản trong nước để thâm nhập an toàn, bền vững vào thị trường khối RCEP.
“Các cơ quan chức năng trong nước giám sát chặt chẽ chất lượng thuỷ sản xuất khẩu. Nếu không kiểm soát được, hàng hoá sẽ bị trả về hoặc tiêu huỷ, chi phí phát sinh là rất lớn”, ông Nông Đức Lai nói và đồng thời cho biết: Công tác phổ biến, cập nhật thông tin về quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của Trung Quốc cũng cần được đẩy mạnh. Ngoài hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp nên chủ động có cán bộ chuyên trách biết ngôn ngữ nước sở tại theo dõi và cập nhật kịp thời thông tin thị trường.
Riêng với thị trường Singapore, ông Cao Xuân Thắng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore khuyến cáo: Khi xuất khẩu mặt hàng thực phẩm vào Singapore doanh nghiệp nên xác định danh mục thực phẩm; xin cấp phép/đăng ký với SFA; tuân thủ các quy định liên quan đến thực phẩm, nhãn mác; xin phép nhập khẩu; đặt lịch kiểm định chất lượng để nhập khẩu.
Hiệp định RCEP giữa ASEAN và 6 đối tác đã có hiệp định thương mại tự do với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand bắt đầu đàm phán từ ngày 9/5/2013. Tháng 11/2019, các nước thành viên đã cơ bản hoàn tất đàm phán văn kiện RCEP (trừ Ấn Độ - đã tuyên bố rút khỏi hiệp định này). Ngày 15/11/2020, 15 nước thành viên RCEP (trừ Ấn Độ) đã ký kết RCEP. Đến ngày 2/11/2021, đã có 6 nước ASEAN (Brunei, Campuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Việt Nam), và 4 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP của mình cho Tổng Thư ký ASEAN. Theo đó, Hiệp định RCEP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với các nước này. Tiếp sau đó, RCEP lần lượt có hiệu lực với Hàn Quốc vào ngày 1/2/2022, và có hiệu lực với Malaysia từ 18/3/2022. |
Các baì viết liên quan
- FPT IS hợp tác BIDV xây dựng hệ sinh thái số xuất nhập khẩu (12/6/2024 12:00:00 AM)
- Vượt qua khó khăn, xuất khẩu sợi của Việt Nam tăng trưởng 2,85% trong năm 2024 (12/6/2024 12:00:00 AM)
- Thông tin về thực hiện thủ tục hải quan với hàng hóa xuất nhập khẩu của Temu (12/6/2024 12:00:00 AM)
- Nhập khẩu nguyên liệu dệt may da giày tăng mạnh (12/6/2024 12:00:00 AM)
- Ngành gỗ tăng cường xuất khẩu qua hội chợ (3/8/2024 12:00:00 AM)
- Việt Nam xuất siêu 3 tỷ USD sang UAE (9/7/2022 12:00:00 AM)
- Doanh nghiệp Việt cần phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế (8/24/2022 12:00:00 AM)
- 7 tháng năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Bỉ đạt 124,79 triệu USD, tăng 74,32% so với cùng kỳ năm 2021. (8/23/2022 12:00:00 AM)
- Giải pháp nào xuất khẩu nông sản bền vững sang thị trường Trung Quốc? (7/26/2022 12:00:00 AM)
- Doanh nghiệp Nhật Bản muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Việt Nam (7/6/2022 12:00:00 AM)