​Nhiều ngành xuất khẩu kim ngạch chục tỉ USD xoay xở vượt khó

Ngày đăng: 3/1/2023

​Nhiều ngành xuất khẩu chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu chục tỉ USD gặp khó khăn khi lượng đơn hàng suy giảm trầm trọng. Ở nhiều doanh nghiệp, lượng đơn hàng đã giảm đến 40-50% trong khi không ít doanh nghiệp FDI phải sản xuất cầm chừng.

Nhiều giải pháp đã được doanh nghiệp nỗ lực áp dụng để tìm kiếm đơn hàng mới, giữ lực lượng lao động, đảm bảo thu nhập cơ bản cho công nhân… song đây cũng là lúc doanh nghiệp cần các chính sách trợ lực bên cạnh việc tự thân xoay xở.

Dệt may quyết không "chùn chân"

Những ngày này, các nhà máy của Công ty CP dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công vẫn sáng đèn.

Để có được công ăn việc làm cho gần 7.000 người lao động của doanh nghiệp, ông Trần Như Tùng - chủ tịch HĐQT công ty - cho hay dù thiếu đơn hàng, lợi nhuận không nhiều như trước nhưng quan trọng là "có việc làm cái đã".

Ông Tùng cho hay vừa qua lượng sợi, bông mà các doanh nghiệp Việt đã mua hiện tồn khá nhiều, do đó các khách hàng ở Mỹ cũng hiểu được doanh nghiệp Việt đang rơi vào thế phải giải quyết hàng tồn để tránh chôn vốn, giảm chất lượng sản phẩm.

Theo ông Tùng, nhiều doanh nghiệp cho biết khi đặt hàng, phía đối tác đặt với mức lợi nhuận rất sát giá vốn, do đó nếu doanh nghiệp không cân đối được lợi nhuận sẽ không nhận, không có được đơn hàng. Còn doanh nghiệp chấp nhận nhận đơn hàng thì biên lợi nhuận rất thấp, chủ yếu giữ công ăn việc làm.

Ngoài các thị trường quen như Mỹ và EU, doanh nghiệp này vẫn có thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và nỗ lực tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường mới như trong khối các nước đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Úc, Canada...

Trong khi đó, để đảm bảo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động, ông Nguyễn Ngọc Lân - tổng giám đốc Tổng công ty May Nhà Bè - cho biết doanh nghiệp này không thể "chùn chân" bởi đằng sau mỗi công nhân là cuộc sống cả một gia đình.

Để có được việc làm cho công nhân, bên cạnh mở rộng tìm kiếm đơn hàng, doanh nghiệp này cũng nhận các đơn hàng nhiều hơn năng lực để đề phòng các rủi ro giảm, hủy đơn hàng từ các thị trường.

Ghi nhận tại một số doanh nghiệp ngành may ở ĐBSCL cũng cho hay một số doanh nghiệp đã tích cực tiếp tục cử cán bộ sang các nước Mỹ, Canada để khảo sát và tìm kiếm thêm đơn hàng. Có doanh nghiệp phải cắt giảm thời gian làm việc xuống còn bốn ngày/tuần hoặc xây dựng phương án cho công nhân nghỉ luân phiên.

Ngành gỗ, da giày gắng giữ lao động

Không chỉ Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) thiếu đơn hàng buộc phải cắt giảm khoảng 3.000 lao động mà trao đổi với Tuổi Trẻ ngày

24-2, đại diện một doanh nghiệp FDI chuyên sản xuất da giày tại TP.HCM đang có hàng ngàn lao động cũng cho biết hiện nhà máy đang sản xuất cầm chừng do thiếu đơn hàng.

Mỗi tuần, các công nhân chỉ sản xuất tại nhà máy 3-4 ngày để chờ các đơn hàng mới. Một doanh nghiệp tại Long An dự kiến công nhân chỉ làm 8-12 ngày/tháng trong năm nay.

Ông Nguyễn Văn Khánh - phó chủ tịch Hội Da giày TP.HCM - cho hay cái khó của các doanh nghiệp trong ngành này là cố gắng giữ người lao động bởi nếu để người lao động rời nhà máy, khi có đơn hàng trở lại sẽ rất khó tìm công nhân lành nghề bởi dự báo thị trường sẽ phục hồi từ quý 2.

Với ngành gỗ, ông Tô Ngọc Ngời - tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất và xuất nhập khẩu lâm sản Sài Gòn - cho biết tùy theo từng phân khúc, có những doanh nghiệp vẫn giữ được đơn hàng, song có những phân khúc chỉ được

40-50% đơn hàng, thậm chí trống đơn hàng. Riêng doanh nghiệp này hiện giữ đơn hàng ở mức 50%, hiện các công nhân thay vì làm ba ca thì chỉ làm 1,5-2 ca để giữ mức lương cơ bản và quan trọng là giữ công nhân khi đơn hàng phục hồi.

Còn ông Huỳnh Quang Thanh - tổng giám đốc Công ty TNHH gỗ Hiệp Long - cho hay những doanh nghiệp đi vào thị trường ngách, ví dụ một số sản phẩm của phân khúc cao cấp, không ảnh hưởng bởi tình hình chung của thị trường thì vẫn sản xuất ổn định.

Trải qua 4-5 đợt khủng hoảng về đơn hàng trong nhiều năm qua, ông Thanh nhận định từ hết quý 2, đơn hàng sẽ cải thiện đối với các doanh nghiệp Việt.

Ngành thủy sản cũng ra sức vẫy vùng

Ông Nguyễn Quang Duy - tổng giám đốc Công ty cổ phần rong biển D&T Khánh Hòa - cho hay năm nay công ty đã chủ động mở rộng thị trường ra Canada, Hàn Quốc, Hà Lan…, đặc biệt là chuẩn bị xuất khẩu rong nho chính ngạch đi Trung Quốc.

"Để tiếp tục duy trì sản xuất, công ty đã điều tiết lao động từ bộ phận này sang bộ phận khác, thay vì cho nghỉ làm toàn bộ công ty sẽ cho làm nửa ngày. Khoảng 10 ngày nay các đơn hàng có chiều hướng cải thiện và bắt đầu vào vụ rong nho nên 170 nhân công đã đi làm toàn bộ, nguyên ngày", ông Duy nói.

Ngoài ra, theo ông Duy, cơ sở còn kết hợp mô hình sản xuất với du lịch, khi nguồn hàng xuất khẩu giảm ông vẫn có nguồn ra từ việc để các đoàn khách đến tham quan trải nghiệm quy trình vớt rong nho, đóng gói, sản xuất dòng snack rong nho từ việc tận dụng rong nho loại 2, 3 để tạo thêm thu nhập cho người lao động.

Đại diện Công ty cổ phần thủy sản Thông Thuận Cam Ranh cho hay 2022 là năm có nhiều khó khăn đối với xuất khẩu tôm của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và của công ty.

Năm 2023, dự báo lạm phát toàn cầu tiếp diễn, người tiêu dùng tiếp tục dè sẻn chi tiêu, thực phẩm giá rẻ lên ngôi càng thêm bất lợi cho sản phẩm tôm chế biến sâu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành tôm thế giới đang trong tình trạng cung vượt cầu rất xa, tôm Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt về giá cả, chất lượng bởi tôm giá rẻ từ Ecuador, Ấn Độ… Nhanh nhất phải đến cuối năm 2023, thị trường xuất khẩu tôm mới hy vọng phục hồi nhưng tốc độ cũng rất chậm.

"Trong năm 2023, chúng tôi chấp nhận giảm lợi nhuận để duy trì các bạn hàng truyền thống; tìm kiếm thị trường xuất khẩu nhằm ổn định hơn, giải quyết việc làm cho người lao động", đại diện công ty thông tin.

Trong khi đó, bà Trần Như Thiên Mỵ - tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản miền Trung - cho hay số lượng đơn hàng ký mới rất ít trong khi những đơn hàng đã ký lại gặp khó khăn trong khâu giao hàng do kho của đối tác đã đầy, tốc độ tiêu thụ chậm làm doanh nghiệp giảm doanh thu.

Theo bà Mỵ, nhiều công ty trong ngành còn khó khăn hơn khi thiếu nguyên liệu, thiếu đơn hàng và thị trường tiêu thụ chậm. Các doanh nghiệp đang chủ động vượt khó, hy vọng cố gắng vượt qua giai đoạn này để đối tác giải phóng kho hàng, tiếp tục ký hợp đồng.

Nguồn (Tuổi trẻ online)

Người đăng: admin

Các baì viết liên quan

BÀI VIẾT CÙNG THỂ LOẠI

BÀI VIẾT CÙNG NGƯỜI ĐĂNG