Thiết lập ngay mô hình “luồng xanh”, “vùng xanh” kiểm soát Covid-19 tại cửa khẩu
Bộ Y tế chủ trì, cùng với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các địa phương có cửa khẩu, trao đổi với các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc thiết lập ngay mô hình “vùng xanh”, “luồng xanh” kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại khu vực cửa khẩu.
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông báo số 56/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại Hội nghị trực tuyến về tình hình xử lý hàng hóa ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Tạo "luồng xanh" để giảm ùn tắc khu vực cửa khẩu
Cụ thể, tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu rõ, trước tình hình khó khăn như vậy, sau khi tham khảo ý kiến UBND tỉnh Lạng Sơn, Bộ Công Thương đã có văn bản số 759/BCT-XNK ngày 18/02/2022 báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án xây dựng "luồng xanh" như sau: UBND các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng và Lào Cai có thể bố trí bãi tập kết phương tiện gần cửa khẩu, sau đó hợp tác với phía Trung Quốc để tiến hành khử khuẩn cho hàng hóa và phương tiện cũng như lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho lái xe (trong trường hợp cần thiết) tại các bãi này. Các phương tiện và lái xe đã được 2 bên xác nhận âm tính có thể đi thẳng qua biên giới để vào bãi sang tải, không phải qua khử khuẩn hoặc xét nghiệm lần 2 nữa.
Quy trình hợp tác giao nhận này có thể cải thiện đáng kể hoạt động thông quan tại các cửa khẩu biên giới, hạn chế được tối đa nguy cơ ùn tắc bởi các lý do sau đây: Khắc phục việc phương tiện và hàng hóa đã được khử khuẩn bên phía ta, phía Trung Quốc vẫn tiến hành khử khuẩn một lần nữa bên phía Trung Quốc do kết quả xét nghiệm và quy trình khử khuẩn của ta chưa được Trung Quốc công nhận. Bên cạnh đó, khắc phục được hạn chế về diện tích khu vực phun khử khuẩn của phía Trung Quốc (như ở cửa khẩu Tân Thanh). Ngoài ra, nếu phát hiện phương tiện, hàng hóa nhiễm SARS-CoV-2 bên phía Trung Quốc thì theo quy định, Trung Quốc sẽ phải ngừng hoạt động thông quan để khử khuẩn toàn bộ khu vực cửa khẩu, đôi khi mất tới 1-2 ngày. Trong khi đó, nếu phát hiện phương tiện, hàng hóa, lái xe nhiễm SARS-CoV-2 trên đất Việt Nam thì chỉ cần không cho phương tiện đó ra cửa khẩu là đủ. Hoạt động thông quan, bốc dỡ, sang tải bên phía Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng.
Đánh giá cao đề xuất này, tại thông báo kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, cùng với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các địa phương có cửa khẩu, trao đổi với các cơ quan hữu quan phía Trung Quốc thiết lập ngay mô hình “vùng xanh”, “luồng xanh” kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại khu vực cửa khẩu (gồm cả lực lượng, trang thiết bị, phương thức hoạt động) như đề xuất của Bộ Công Thương tại Hội nghị nhằm giải quyết nhanh thủ tục kiểm dịch, kiểm soát lái xe và hàng hóa đảm bảo kết quả an toàn phòng chống dịch được cả hai nước công nhận nhằm đẩy nhanh quá trình thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.
Ngoài giải pháp kể trên, UBND các tỉnh: Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng thực hiện giao ban định kỳ hàng tuần với các cơ quan, bao gồm cả việc trao đổi, phối hợp với các địa phương phía Trung Quốc; trên cơ sở đó, kịp thời thông tin và có giải pháp phù hợp để điều phối hợp lý các phương tiện vận tải lên cửa khẩu, giải quyết kịp thời các thủ tục, hỗ trợ các tác nghiệp nhằm đẩy nhanh thông quan; tạo các điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt của các lực lượng và đội ngũ lái xe, người lao động khu vực cửa khẩu; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình để trục lợi.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương có vùng trồng với sản lượng nông sản lớn chủ động nắm chắc tình hình, tiếp tục có các giải pháp định hướng sản xuất theo quy hoạch và kế hoạch nhằm đảm bảo các điều kiện xuất khẩu nông sản chính ngạch, cân đối cung cầu, ổn định thị trường.
Các Bộ, cơ quan, địa phương tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các doanh nghiệp, người sản xuất bảo đảm an toàn dịch bệnh trong quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về tiêu chuẩn, quy chuẩn và chất lượng hàng hóa; đẩy mạnh tiêu dùng, chế biến nông sản phục vụ thị trường trong nước, sử dụng hiệu quả các phương tiện vận tải khác như đường sắt, đường biển để vận chuyển, xuất khẩu nông sản.
Các cơ quan thông tin truyền thông chủ động thông tin khách quan, chính xác, kịp thời nhằm phản ánh đúng bản chất tình hình, bảo vệ sản xuất trong nước, hỗ trợ người sản xuất, phục vụ điều hành hiệu quả, khoa học, góp phần sớm khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới.
Bộ Công Thương chủ trì cùng các Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hải quan xây dựng quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, chất lượng đối với hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới và cơ chế chính sách khuyến khích xuất khẩu chính ngạch đối với một số hàng hóa hiện đang ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới; báo cáo, đề xuất Chính phủ xem xét trước ngày 30/3/2020.
Các baì viết liên quan
- Ngành gỗ tăng cường xuất khẩu qua hội chợ (3/8/2024 12:00:00 AM)
- Việt Nam xuất siêu 3 tỷ USD sang UAE (9/7/2022 12:00:00 AM)
- Doanh nghiệp Việt cần phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế (8/24/2022 12:00:00 AM)
- 7 tháng năm 2022, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Bỉ đạt 124,79 triệu USD, tăng 74,32% so với cùng kỳ năm 2021. (8/23/2022 12:00:00 AM)
- Giải pháp nào xuất khẩu nông sản bền vững sang thị trường Trung Quốc? (7/26/2022 12:00:00 AM)
- Doanh nghiệp Nhật Bản muốn đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Việt Nam (7/6/2022 12:00:00 AM)
- Tỉnh Quảng Ninh: Lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên thông quan trở lại (5/30/2022 12:00:00 AM)
- Cơ hội xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam sang thị trường RCEP (5/27/2022 12:00:00 AM)
- Nhu cầu thị trường tăng cao, gạo Việt Nam nhiều cơ hội vào Bắc Âu (4/27/2022 12:00:00 AM)
- Dự kiến khôi phục thông quan hàng hóa tại Cửa khẩu cầu Bắc Luân 2 từ 26/4 (4/25/2022 12:00:00 AM)